Các biến thể Cánh_hoa

Hoa đối xứng hai bên của đậu Hà Lan (Pisum sativum).

Các cánh hoa có thể cực kỳ khác biệt ở các loài khác nhau. Số lượng cánh hoa trong một hoa có thể là manh mối để phân loại thực vật. Chẳng hạn, hoa của thực vật hai lá mầm thật sự (eudicots), nhóm thực vật hai lá mầm lớn nhất, chủ yếu có 4 hay 5 cánh hoa trong khi hoa của thực vật một lá mầm (monocots) có 3 (hay bội số của 3) cánh hoa, mặc dù có nhiều ngoại lệ với quy tắc này[1].

Vòng chứa các cánh hoa hay tràng hoa có thể là đối xứng tỏa tia hay đối xứng hai bên (xem Đối xứng trong sinh họcĐối xứng hoa). Nếu tất cả các cánh hoa giống hệt nhau về hình dáng và kích thước thì hoa được gọi là đều, cân đối hay đối xứng tỏa tia (nghĩa là "tạo thành tia"). Nhiều hoa chỉ đối xứng trong một mặt phẳng (nghĩa là tính đối xứng là hai bên) và được gọi là không đều, không cân đối hay đối xứng hai bên (nghĩa là "tạo thành đôi"). Trong các hoa không đều thì các bộ phận khác của hoa có thể được biến đổi từ dạng đều, nhưng các cánh hoa thì thể hiện sự trệch hướng lớn nhất từ sự đối xứng tỏa tia. Các ví dụ về hoa đối xứng hai bên có thể thấy ở các loài lan (Orchidaceae) cũng như ở các loài đậu (Fabaceae).

Ở nhiều loài trong họ Cúc (Asteraceae), như hướng dương (Helianthus annuus) thì chu vi của một hoa đầu bao gồm nhiều chiếc hoa (hoa con). Mỗi chiếc hoa về mặt giải phẫu là một hoa riêng lẻ với một cánh hoa lớn đơn lẻ.

Mặc dù cánh hoa thường là bộ phận nổi bật nhất của hoa, nhưng một số loài, như trong họ Hòa thảo (Poaceae), lại hoặc là có các cánh hoa rất nhỏ hay hoàn toàn không có cánh hoa.